Giá trị Văn_hóa_Tràng_An

Hệ thống các di tích khảo cổ hang động trong Quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) là một thí dụ nổi bật về một sự định cư truyền thống của loài người, việc sử dụng đất hoặc biển, mà đại diện cho một nền văn hóa (hoặc nhiều nền văn hóa) hoặc sự tác động của con người đến thiên nhiên đặc biệt khi nó trở nên bị nguy hại dưới tác động của sự thay đổi không thể thay đổi được. Điều này được chứng minh qua các tư liệu sau:

  • Truyền thống định cư hang động lâu dài từ thời tiền sử, cách đây 25.000 năm (C14 Hang Trống) đến các chùa hang mà người Việt đang sử dụng. Tại đây con người sống, khai thác nguồn lợi tự nhiên trong vùng karst nhiệt đới, gắn liền với những biến động địa chất mang tính toàn cầu (biển tiến, biển thoái), gắn liền với những phát minh vĩ đại của nhân loại (kỹ thuật mài trong chế tác công cụ, kỹ thuật làm đồ gốm, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi), một thí dụ điển hình về bước tiến của văn hóa nhân loại ở vùng biển cổ Ninh Bình.
  • Địa tầng các di tích tiền sử Tràng An cho biết các giá trị văn hóa tiền sử ở đây phát triển bền vững, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành truyền thống (tradition). Theo thời gian, truyền thống ở đây không lặp lại nguyên gốc, mà do áp dụng kỹ thuật mới hoặc các dạng thức hoạt động mới đã nảy sinh cái mới (innovation), cái mới lại được cách tân (renovation) và gia nhập vào truyền thống. Cứ như vậy, truyền thống và cách tân là 2 chiều ngang và dọc, dệt nên bức tranh văn hóa tiền sử, làm nên giá trị bền vững, tinh hoa của các cộng đồng tộc người ở vùng Tràng An Ninh Bình.

Các chứng tích văn hóa khảo cổ tiền sử ở Tràng An phong phú và đa dạng, là nguồn sử liệu vật thật minh chứng cho sự biến đổi đặc biệt về kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây dưới sự tác động thay đổi môi trường karst, biến động của cổ khí hậu, của mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa. Đây là các chứng tích điển hình nhất cho loại hình cư trú liên tục trong hang động trước, trong và sau biển tiến, truyền thống khai thác và sử dụng nhuyễn thể biển và trên cạn, truyền thống săn bắt đa tạp, theo phổ rộng, săn bắt nhiều loài, mỗi loài một ít và không dẫn đến hủy diệt bầy đàn động vật đó; truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá vôi, sự nảy sinh kỹ thuật mài, cưa và kỹ thuật làm gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy là nét riêng độc đáo, làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể các di tích khảo cổ nơi đây.

Hệ thống các di tích khảo cổ tiền sử hang động Tràng An (Ninh Bình) còn chứa đựng sự độc bản hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa hoặc nền văn minh hiện còn tồn tại hoặc đã mất của nhân loại (tiêu chí:iii của một di sản thế giới).[4]